Chưa đầy 1% doanh nghiệp TP HCM hưởng trần lãi vay
Chỉ 650 trên tổng số 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ của TP HCM tiếp cận được vốn ưu đãi của ngân hàng.
Chiều 5/6, lãnh đạo UBND TP HCM đã có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, tính đến 29/5, gần một tháng triển khai áp trần lãi vay theo Thông tư 14, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 4 nhóm ưu tiên tại TP HCM tiếp cận được gần 7.000 tỷ đồng vốn vay từ ngân hàng. Trong đó, 70 doanh nghiệp được vay vốn theo diện ưu đãi phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Khu vực sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, có 85 doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay với dư nợ hơn 887 tỷ. Còn công nghiệp hỗ trợ là trên 181 tỷ đồng dành cho 37 doanh nghiệp. Riêng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp vừa và nhỏ được giải ngân là 459 đơn vị với nguồn vốn hơn 4.279 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 4 nhóm ưu tiên tại TP HCM tiếp cận được gần 7.000 tỷ đồng vốn vay từ ngân hàng. Ảnh: Lệ Chi. |
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM Nguyễn Ngọc Thắng cho biết thêm, tổng dư nợ của trên địa bàn đến ngày 31/5 đạt 762.200 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, giảm 0,24% so với cuối năm và tăng 1,58% so với cùng kỳ. Trong đó dư nợ bằng VND đạt 553,103 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm, dư nợ ngoại tệ đạt 209,097 tỷ đồng, tăng 1,05%.
Lý giải sự tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn cho 4 lĩnh vực ưu tiên, Phó giám đốc cho rằng, mặc dù thực hiện đúng chủ trương của Ngân hàng Trung ương nhưng các nhà băng vẫn khó khăn tìm kiếm khách hàng mới vay vốn. Nguyên nhân do hầu hết các doanh nghiệp đều đang trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại các nhà băng.
Trong khi đó, hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp khó tiêu thụ sản phẩm, lại chưa có phương án kinh doanh hiệu quả. Chỉ số an toàn trong hoạt động doanh nghiệp bị suy giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng vì sợ mất vốn nên nhiều nhà băng thường rút ngắn thời gian cho vay, thay vì từ một năm thì chỉ còn 6 tháng khiến doanh nghiệp bị thiếu vốn và không xoay sở kịp. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều gặp khó về tài sản thế chấp. Thêm vào đó, với mức lãi suất 14% hiện nay thì đầu tư vẫn không có lời.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, ngân hàng không hề "đóng cửa" với doanh nghiệp. Hiện nay, mỗi ngân hàng đều muốn chăm lo khách hàng của mình bằng cách giảm lãi suất để giữ chân khách. "Bởi nếu không làm vậy, nhà băng sẽ bị ngân hàng bạn lôi kéo khách", ông bình nói.
Để khơi thông dòng vốn, Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải tiếp tục giảm lãi suất. Nếu giá lãi suất thấp thì cầu về tiền tệ sẽ tăng. Muốn vậy, Ngân hàng Nhà nước cần xác lập trần cho vay không chỉ dành cho 4 nhóm mà nên mở rộng.
Ngoài ra, Tổng giám đốc Eximbank còn cho rằng, đi đôi với giảm lãi suất phải tìm cách giải quyết cho được bài toán hàng tồn kho. Biện pháp cuối cùng là thành lập công ty mua bán nợ. Khi đó, Việt Nam vừa tẩy được nợ xấu ra khỏi ngân hàng, doanh nghiệp cũng sẽ tiếp cận được vốn vay.
Đánh giá về con số giải ngân gần 7.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp thuộc 4 nhóm ưu tiên trong gần một tháng qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cho rằng, đây là con số quá khiêm tốn và cần đẩy mạnh tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm.
Theo ông Tuấn, với tình hình lạm phát đang giảm như hiện nay, có thể thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(Theo VNE)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét